Thành phố phía bình minh
Bạn tôi thường gọi hai con đường mới mở chạy dọc vùng hạ lưu sông Trà Khúc là con đường nghìn tỷ, con đường đến phía bình minh của TP.Quảng Ngãi quê hương. Trong nắng ấm mùa xuân, tôi giong xe trên con đường mới hít thở không khí trong lành và tha hồ ngắm dòng sông quê trở mình trong xanh.
Lâu rồi ở đôi bờ hạ lưu sông Trà đã tồn tại hai con đường xuôi về phía biển. Ở vùng bờ bắc, có con đường bắt đầu từ ngã ba Quán Cơm băng qua vùng Tịnh An, Tịnh Châu, xuống Tịnh Khê, Tịnh Kỳ. Còn ở bờ nam thì có con đường từ TP. Quảng Ngãi qua các xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú. Trong những sớm mai mù sương, trên hai con đường này có biết bao người quê với đôi quang gánh chất đầy sà lách, tần ơ, hành ngò, rau cải tươi tốt của vùng đồng bãi phù sa ngược đường lên chợ tỉnh. Từ vùng biển Sa Kỳ, Cổ Lũy có những chiếc xe honda rồ ga hết cỡ, trên xe có đôi giỏ lớn chứa đầy cá chạy lên khu vực mà bây giờ trở thành trung tâm thành phố. Hai con đường ấy bây giờ vẫn người xe qua lại, nhưng theo thời gian rồi cũng trở thành con đường xưa nhường chỗ cho đôi đường nghìn tỷ.
Thuyền xuôi sông Trà. Ảnh: PHẠM THUẬN |
Vượt qua làng An Đạo, xã Tịnh Long qua con dốc cao dưới chân núi Thiên Mã cả một vùng biển khơi, sông nước bày ra trước mắt. Con sông Trà xuôi về hạ lưu trôi chậm rãi, giang đôi tay rộng ôm lấy xóm nhà, đồng bãi. Ở phía bờ nam, xa xa là núi Phú Thọ và làng Cổ Lũy với xóm nhà bình yên dưới bóng dừa. Còn ở phía đông là biển khơi vô tận và cửa biển Cổ Lũy thấp thoáng những con tàu.
Nhiều thế kỷ trước, đường bộ chưa phát triển, việc đi lại vận chuyển chủ yếu nhờ vào thuyền bè thì ở vùng cửa Cổ Lũy này có nhiều con thuyền từ muôn nơi vào ra cửa biển mang nhiều vật phẩm trong Nam, ngoài Bắc theo dòng sông Phú Thọ đến con sông đào đưa hàng lên phố Thu Xà và ngược lại từ phố Thu Xà có biết bao nhiêu con thuyền dong buồm vượt cửa biển Cổ Lũy chở đầy vật phẩm của Quảng Ngãi đi đến muôn nơi.
Còn trên dòng sông Trà theo mùa con nước đã có nhiều con thuyền ngược dòng lên đầu nguồn chở muối, chở rìu, rựa, vải vóc tơ lụa cho đồng bào dân tộc và khi trở về trong khoang chở đầy nông sản, thổ sản, dược liệu của vùng cao. Rồi khi đường bộ phát triển, ở vùng cửa biển Cổ Lũy không còn những thương thuyền mà chỉ dành cho tàu đánh cá.
Đã nhiều lần trên dòng sông tấp nập, tôi cùng bạn bè đi về phía bình minh của thành phố. Chúng tôi nghe nhiều người đề cập đến tiềm năng của vùng cửa biển Cổ Lũy, Sa Kỳ. Bởi chưa nói đến việc hình thành các điểm du lịch vùng ven biển, hai nơi này giờ đã có 2.400 tàu thuyền đánh cá, chiếm gần 40% số tàu thuyền trong tỉnh hay đề cập quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng mời gọi đầu tư ở phía bình minh thành phố.
Mải mê với những câu chuyện, chúng tôi đi qua những cánh đồng rau xanh bạt ngàn của vùng Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng - vùng đất của rau xanh. Chúng tôi đến xem mô hình trồng rau Vietgap và nghe bà con ở đây mơ một ngày không xa vùng rau quê mình cũng giống như vùng rau Trà Quế kết hợp với du lịch ở Quảng Nam.
Ở vùng Nghĩa Dõng lâu rồi đã lưu truyền câu ca: “Cô gái lòng son không bằng tô don Vạn Tượng”. Cái tô don có màu đùng đục ấy là đặc sản của xứ Quảng, theo những chuyến tàu vào TP. Hồ Chí Minh để thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của người Quảng xa quê và cùng để chung vui góp mặt với đặc sản của nhiều vùng miền trong cả nước. Tuy vậy, không nhiều người biết để có được bát don có màu đùng đục ấy, người quê vùng Nghĩa Hà, Nghĩa Phú thường ngày lặn hụp trên dòng sông với chiếc nhũi đơn sơ.
Cách đây vài năm, tôi theo lão ngư dân Lê Bưng dân Vạn Tượng lặn hụp trên sông Trà để giăng đăng, đặt lợp săn cá thài bai. Loài cá bằng cọng tăm này cứ mỗi độ xuân về là bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng sông. Cá thài bai đem hấp xúc bánh tráng là món ngon phải đâu ai cũng được thưởng thức. Do vậy, đến Vạn Tượng, Nghĩa Phú thưởng thức một tô don, nghe kể chuyện nhũi don, săn cá thài bai trên sông Trà cũng là điều nên giới thiệu với bạn bè du khách khi đến đất này.
Mùa sen trước đền thờ Trương Định. Ảnh: NĐ |
Rồi cũng bên bờ con sông đó, nếu ngược đường lên núi Phú Thọ ngắm cấm Bầm Buông, hay lang thang nơi làng quê Cổ Lũy cô thôn trong sắc trời chiều hay những sớm mai hồng thấy những đoàn tàu sau những lèo biển trở về cửa Cổ Lũy cá đầy khoang sẽ cảm nhận vùng cuối sông rất đỗi yên bình, giàu sức sống.
Rời bờ nam đi về phía bờ bắc sông Trà là du khách đến với nơi có mật độ di tích thắng cảnh dày nhất Quảng Ngãi. Lâu rồi, khách nước ngoài tìm về Khu chứng tích Sơn Mỹ, khách trong và nước ngoài đến Sơn Mỹ còn lên núi thăm chùa Thiên Ấn, viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, ghé đền Trương Định rồi về với biển Mỹ Khê, chứ không nhiều người tìm về cổ thành Châu Sa- một di sản kiến trúc của văn hóa Chămpa. Theo Địa chí Quảng Ngãi thì đây là tòa thành đắp đất có quy mô lớn và còn nguyên vẹn nhất so với các thành Chămpa khác ở miền Trung Việt Nam.
Cũng ở bắc sông Trà, không nhiều du khách đến thăm nhà thờ và khu mộ của dòng họ Trương Đăng, mà có lẽ người nổi tiếng nhất là Trương Đăng Quế từng giữ chức vụ hàng đầu của triều Nguyễn, từng chủ trì hoặc tham gia soạn những bộ sách lớn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện. Và không chỉ có thế, vùng bờ bắc sông Trà lâu rồi là quê hương của những anh hùng, tướng lĩnh kiệt xuất. Đó là Trương Đăng Đồ - tướng quân Tây Sơn, Anh hùng dân tộc Trương Định, tướng Trần Quý Hai, Võ Bẩm... Những câu chuyện về tuổi thơ, những giai thoại về người anh hùng, của các vị tướng sẽ hấp dẫn nhiều người khi đến thăm vùng hạ lưu sông Trà Khúc của xứ Quảng mến yêu.
Nhiều du khách lòng xốn xang khi ghé xã Tịnh Long thăm quê hương của thượng tướng Trần Văn Trà từng giữ chức Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nghe những câu thơ tự bạch của ông: “Ra đi hai bàn tay trắng/ Trở về một dải giang san/ “Trăng xưa hạc cũ” dòng sông lặng/ Mây nước yên bình, thiên mã thăng” càng hiểu rõ hơn tấm lòng, khí khái của người con đất Quảng.
TP. Quảng Ngãi bây giờ đã lên đô thị loại 2, phía bình minh của thành phố được mở rộng không chỉ tạo nên vùng động lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản mà còn mở hướng để phát triển du lịch. Ông Nguyễn Tăng Bính - Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi cho hay: Trong giai đoạn 2016-2020, TP. Quảng Ngãi sẽ “quy hoạch, hình thành các khu vui chơi, giải trí, tôn tạo cảnh quang khu vực vùng ven sông, ven biển, các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhất là bãi biển Mỹ Khê. Hình thành các khu du lịch, dịch vụ hiện đại, truyền thống, sinh thái phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân; phát triển các tuyến du lịch mới.
Theo định hướng ấy thì những di tích, thắng cảnh ở phía bình minh của TP. Quảng Ngãi trong giai đoạn này sẽ được tôn tạo, kết nối với các điểm du lịch của miền Trung - Tây Nguyên. Và biết đâu trong một tương lai gần, Quảng Ngãi sẽ có tuyến du lịch bên bờ sông Trà Khúc quê hương.
Thành phố phía bình minh
Reviewed by Unknown
on
23:20
Rating:
Không có nhận xét nào: